Ngộ độc thực phẩm và các bệnh dịch do thực phẩm gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của con người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng lớn cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm đáng kể năng suất lao động.
Xác định tầm quan trọng và thực trạng của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong giai đoạn hiện nay, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 06/6/2014 về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm”, Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”…để góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tích cực vào cuộc, triển khai nhiều hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Trong công tác phối hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh xây dựng chương trình phối hợp giai đoạn 2019 – 2021; phối hợp tuyên truyền 03 chuyên đề về an toàn thực phẩm tại Hội nghị thông tin công tác tư tưởng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; đăng 15 tin, bài trên cuốn Thông tin sinh hoạt chi bộ hàng tháng; phối hợp với 8 huyện ủy, thị ủy, thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm cho 100% Bí thư chi bộ thôn, khu phố; có sự tham dự của các đồng chí Thường trực huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Trưởng BTG cấp huyện; Thường trực Đảng ủy, Trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trưởng thôn, khu phố và Trưởng Ban công tác mặt trận… tổng số gần 2000 đại biểu được thông tin, tập huấn, đồng thời hướng dẫn tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về an toàn thực phẩm; tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “ Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ”; tổ chức điều tra xã hội học 3500 phiếu hỏi với 41 câu hỏi, nhằm đánh giá kết quả, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các Đoàn giám sát và tiến hành giám sát tại 9 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 21 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 9 bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh đó, Cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm tuyên truyền chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về an toàn thực phẩm; Luật an toàn thực phẩm; cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; cách nhận biết thực phẩm không an toàn; cách nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ…; Công tác phối hợp giữa các ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm được duy trì và ngày càng chú trọng, phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng quy chế, chương trình phối hợp trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, Bắc ninh đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành thu hút hàng ngàn doanh nghiệp, hàng trăm nghìn lao động; số doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động ngày càng tăng. Qua kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng tại các bếp ăn tập thể có thể nhận thấy, đa số các doanh nghiệp, công ty đều có ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong các bữa ăn cho công nhân, người lao động tại bếp ăn tập thể, đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn về an toàn thực phẩm cho đội ngũ quản lý bếp ăn, kiểm soát chặt chẽ cơ sở cung cấp lương thực thực phẩm, người chế biến, khu vực ăn uống, vệ sinh trước và sau khi ăn.
Tuy nhiên, trước diễn biễn phức tạp của dịch covid-19, cả đất nước đã thực hiện giãn cách xã hội với phương châm hạn chế tối đa việc di chuyển không cần thiết, không tập trung đông người gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như các bữa tập thể của công nhân. Cùng với đó, thực trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp, công ty có tổ chức bữa ăn tập thể cho công nhân, người lao động vẫn còn số ít cơ sở. Việc sử dụng bếp ăn không được thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều; quá trình chế biến, vận chuyển chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ; trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đồng bộ… một phần do chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Một số doanh nghiệp kiên thức chuyên môn chưa nhiều, kinh nghiệm tổ chức bếp ăn tập thể còn hạn chế.
Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, các cấp các ngành tập trung tuyên truyển, triển khai các hoạt động của Đề án “ Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn ”; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, các kênh báo, đài, các trang mạng xã hội, tập huấn, hội thảo chuyên đề…
Hai là, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người đứng đầu các doanh nghiệp để họ hiểu rõ sức khỏe của người lao động chính là tài sản, lợi nhuận, yếu tố quyết định sự phát triển, nâng cao doanh thu của đơn vị mình. Từ đó, có trách nhiệm xây dựng bếp ăn tập thể đúng quy chuẩn như: định kỳ kiểm tra sức khỏe cho nhân viên; không nhập thực phẩm kém chất lượng; thực phẩm phải rõ nguồn gốc; khẩu phần ăn cần đa dang, đảm bảo đủ chất; thường xuyên vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ trong chế biến thực phẩm nhằm nâng cao giá trị khẩu phần ăn…
Ba là, đẩ y mạnh việc phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, quy trình điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành cho người chế biến, chủ doanh nghiệp trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và ngộ độc thực phẩm.
Bốn là, Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 ngành, gồm: Ban Quản lý ATTP tỉnh, ngành Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương và các ban, ngành liên quan nhằm quản lý chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thông qua hệ thống kiểm soát cả chuỗi cung cấp thực phẩm, để đảm bảo thực phẩm an toàn được đến tay người tiêu dùng.
Năm là, Phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, qua đó thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Sáu là, Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống loại hình bếp ăn tập thể, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm; giám sát các cơ sở sai phạm xử lý theo quy định. Khuyến cáo các công ty, doanh nghiệp nên lựa chọn những đơn vị có uy tín để cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của mình.
Bảy là, Trước tình hình dịch bệnh Covid- 19 hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch, đặc biệt với doanh nghiệp tổ chức cho công nhân ăn uống từ việc kiểm soát chặt chẽ cơ sở cung cấp lương thực thực phẩm, người chế biến, khu vực ăn uống, vệ sinh trước và sau khi ăn. Ngoài ra, cần tăng khẩu phần ăn cho công nhân để nâng cao sức đề kháng, tuân thủ nghiêm quy định về bếp ăn tập thể…bằng nhiều việc làm thiết thực như vậy, các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang góp phần phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay./.